Sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá 'vay tiền không cần gặp mặt' đã thu hút vô số người tham gia. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.
Chỉ sau 2 tuần ra đời, sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá “vay tiền không cần gặp mặt” đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Đây được xem là mô hình kết nối giữa người vay và người cho vay đầu tiên tại VN, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay
Theo đó, thông qua ứng dụng “Vay Mượn” cài trên ĐTDĐ, người vay gửi yêu cầu để vay một khoản tiền. Các bước xét duyệt cho một khoản vay không quá 4 giờ cho lần đầu hoặc không quá 30 phút cho những lần sau. Người vay không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.
Ngược lại, bất kỳ người nào có tiền nhàn rỗi cũng có thể tải ứng dụng “VayMuon - Nhà đầu tư” để trở thành người cho vay (gọi là nhà đầu tư - NĐT). Khi có người gửi yêu cầu vay, NĐT sẽ nhận được thông báo và nếu chấp thuận cho vay, số tiền được chuyển từ ví điện tử liên kết Vimo của NĐT sang tài khoản ngân hàng của người vay. Đến thời điểm đáo hạn, 100% gốc và lãi sẽ được tự động hoàn lại vào ví điện tử Vimo của NĐT.“Người đảm bảo” giấu mặt !
Trên trang chủ Vaymuon.vn, đơn vị này cam kết đây không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính mà chỉ sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và NĐT bằng cách cung cấp cho người vay mức giá cực tốt và NĐT lợi nhuận cao nhất.
Công ty Vay Mượn đảm bảo an toàn hoàn trả 100% cả gốc lẫn lãi cho các NĐT tham gia.Khi được hỏi làm thế nào để có thể đảm bảo được vốn của NĐT nếu không ít người vay không thanh toán nợ, bà Đào Thị Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vay Mượn, cho biết thực tế mô hình này có 4 bên tham gia. Đó là NĐT, người vay, công ty vay mượn và người đảm bảo. Trong đó, người bảo đảm đứng phía sau Công ty Vay Mượn để bảo đảm khoản vay được thu hồi và hoàn trả đủ cho NĐT. Trường hợp người vay thanh toán đúng hạn thì người đảm bảo sẽ có lời. Ngược lại, khi người vay không trả nợ thì người bảo đảm phải bù lỗ để trả lại vốn và lãi cho NĐT.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, đây là một dạng của mô hình dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) đang phát triển mạnh. Mặc dù vậy ở nhiều nước, mỗi cá nhân đều có hệ số tín nhiệm được xếp loại. Nếu hệ số tín nhiệm thấp thì khi vay tiền sẽ bị lãi suất cao, thậm chí bị từ chối cho vay. Vì thế phần lớn cá nhân sợ bị xếp hạng điểm thấp nên sẽ tuân thủ trả nợ đúng hạn.
Trong khi đó ở VN, chủ yếu dựa trên sự xác minh thông tin cá nhân vì việc cho vay bằng tín chấp sẽ rủi ro cao hơn cho người bỏ tiền ra. “Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, áp dụng nhiều lĩnh vực thì cũng không nên cấm mô hình này. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra hành lang pháp lý nhằm bảo đảm an toàn cho NĐT, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, ổn định”, TS Thuận khuyến nghị.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO, cho hay hiện nay chưa có quy định nào về mô hình hoạt động như trên. “Các công ty này không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng bản chất hình thức hoạt động của các công ty này có nơi là huy động và cho vay, có nơi là môi giới về tiền tệ thì lại chịu sự quản lý của NHNN. Ở một số nước, hình thức này không cấm nên nhiều công ty nở rộ làm.
Với tốc độ phát triển về công nghệ bây giờ khá nhanh, những mô hình ứng dụng công nghệ hoạt động như kiểu Uber, Grab... sẽ ngày càng phát triển. Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào. Đặc biệt, cần cảnh báo đối với những người cho vay tham gia hình thức này sẽ gặp phải nhiều rủi ro”, luật sư Đức cảnh báo.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia giai đoạn giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính.
Hoạt động này mang đến lợi ích khi tạo kết nối cho 2 bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trách nhiệm và rủi ro của NĐT sẽ tương đối lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán...
Nguồn >>> http://googleigoogle.com/xem-qua-nhung-rui-ro-vay-tien-khong-can-gap-mat-28668.html